CÀ PHÊ SÁNG

Xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 2, Shark Nguyễn Mạnh Dũng, thường gọi là Dzung Nguyễn, được nhiều startup công nghệ nhắm tới. Đơn giản vì anh chính là người đồng hành, tạo dựng thành công cho những tên tuổi như Foody, Nhaccuatui, Vexere, Websosanh,...

 

Trong chương trình "Đối mặt thách thức" tổ chức gần đây tại Hà Nội, Shark Dũng đã có những chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề khởi nghiệp công nghệ.

 

Trước hết anh khẳng định lĩnh vực công nghệ có tỷ lệ thất bại cao hơn nhiều các ngành truyền thống khác. Ví dụ nếu mở một nhà hàng hay quán phở, dù khách hàng không ăn ở đấy mãi nhưng về cơ bản, luôn có một tập khách hàng tồn tại cùng địa điểm, cơ sở kinh doanh ấy. Tuy nhiên, trong công nghệ, các startup không được may mắn như thế.

 

"Startup công nghệ chỉ có lựa chọn vào top 1 đến top 3 để sống sót, về cơ bản là ‘chết’. Vấn đề là chết lúc nào, chết nhanh hay chết chậm. Vì thế người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là người cực kỳ dũng cảm".

 

Shark Dzung Nguyễn: Người khởi nghiệp công nghệ là người rất dũng cảm, vì cực khó và rất ‘chua’ - Ảnh 1.

Shark Dzung Nguyễn chụp ảnh tại sự kiện "Đối mặt thách thức".

Cũng theo Shark Dzung Nguyễn, muốn thành công trong lĩnh vực mà tỷ lệ thất bại chiếm áp đảo, các startup phải hiểu mình đang làm gì, thế mạnh của mình là gì, mình theo đuổi giá trị gì.

"Nhiều startup thấy Alibaba, Google, Facebook thành công liền nói rằng em cũng muốn xây một Alibaba, một Google, Facebook như vậy. Tôi khuyên startup cần có tham vọng nhưng phải thực tế và bắt đầu từ những bước đi nhỏ".

Xét vào thời điểm này, Shark Dzung Nguyễn cho biết hầu như không ai có cơ hội xây thêm một Alibaba thứ hai hay Facebook thứ hai. Ngay cả ở Việt Nam, muốn xây dựng những mô hình như Foody, Tiki,... cũng khá khó vì điều này phụ thuộc nhiều vào nguồn lực của startup.

"Nếu có nguồn lực không giới hạn thì startup có thể làm bất cứ điều gì nhưng cơ bản mọi nguồn lực đều có giới hạn: Với cá nhân giới hạn thời gian là 24h/ngày, với doanh nghiệp giới hạn nằm ở nguồn vốn".

"100 triệu USD tuy lớn nhưng lại nhỏ, 1 tỷ USD lớn nhưng cũng nhỏ vì còn tùy theo tham vọng đam mê của startup".

 

Vì vậy, anh khuyên startup luôn phải tự đặt ra các câu hỏi cho chính mình, ví dụ như sản phẩm mang lại giá trị gì, cho ai, vấn đề thị trường là gì, đối thủ cạnh tranh tồn tại chưa, nếu tồn tại thì mình có cạnh tranh được với họ không,...

 

"Nếu không trả lời được các câu hỏi này thì đừng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ vì rất là khó và rất là ‘chua’, rất là ‘chuối’ đấy", Shark Dzung Nguyễn nhấn mạnh.

 

Cũng nói về vấn đề khởi nghiệp công nghệ nhưng tập trung vào vận hành, Shark Thái Vân Linh cho rằng một công ty khởi nghiệp lý tưởng nên có 2 nhà sáng lập: một người làm công nghệ, một người làm kinh doanh bởi cốt lõi của một công ty khởi nghiệp công nghệ vẫn là kinh doanh. Chị cho biết đa số các công ty thành công hiện nay không đơn thuần chỉ là công ty công nghệ. Ví dụ: Grab, Uber là công ty vận chuyển, Shopee, Foody là công ty về logistics.

 

"Khi suy nghĩ về vấn đề khởi nghiệp Linh khuyên các bạn nên tìm gì đó liên quan đến công nghệ, đó là hướng đi của tương lai. Để thành công thì startup phải có gì đó về công nghệ", Shark Linh kết luận.

 

Đồng quan niệm này, Shark Dzung Nguyễn cũng cho biết bản chất công nghệ chỉ là công cụ, dù công nghệ cao siêu đến đâu mà không đi vào cuộc sống thì sẽ không có ý nghĩa.

 

"Các startup đừng nói "em có công nghệ cao siêu này kia, anh đầu tư đi". Công nghệ chỉ là công cụ thôi, điều quan trọng là startup công nghệ sẽ cung cấp giá trị cốt lõi gì cho xã hội, phải định hình được thì mới đi đúng được", Shark Dũng kết luận.

 

Theo Trí Thức Trẻ

Mục liên quan